Tìm Kiếm

kiếm tiển thật dễ

Chủ Nhật, 21 tháng 12, 2008

Nguyễn Thi Thơ – Cô sinh viên biến sỏi thành tiền

Những viên đá cuội vô tri nằm lăn lóc ở bãi biển bỗng trở nên sinh động, có hồn khi nó được bàn tay và óc sáng tạo của Nguyễn Thi Thơ, sinh viên Khoa kinh tế, trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu chăm chút vẽ lên đó những hoa văn, hoa tiết ngộ nghĩnh đầy màu sắc..


BẮT ĐẦU TỪ SỰ ĐAM MÊ

Tối thứ 7, lạc giữa khu chợ đêm mỹ nghệ trên đường Thùy Vân là gian hàng “Sản phẩm ý tưởng” của cô sinh viên Nguyễn Thi Thơ. Gian hàng của Thơ không lúc nào vắng khách. Người ghé vào xem vì tò mò, thấy là lạ, người thích thú mua về làm quà cho bạn bè. Những viên đá cuội, những viên sỏi vô tri vô giác ít ai để ý đến đã được Thơ thổi vào đó cái hồn, cái tình của con người. Nhìn những viên đá đã được sơn phết, tạo hình thành những con vật đáng yêu như con cua, con dê, cái đồng hồ, con búp bê… ít ai nghĩ đó lại là sản phẩm được tạo ra từ bàn tay của cô gái miền Tây vừa tròn 20 tuổi.

Từ nhỏ, Thơ đã có niềm đam mê kinh doanh, đặc biệt là lĩnh vực du lịch. Vừa tốt nghiệp phổ thông trung học và thi đậu vào trường Đại học Bà Rịa – Vũng Tàu, Thơ một mình khăn gói từ Tiền Giang lên Vũng Tàu trọ học. Vốn nhanh nhẹn, tháo vát lại thêm có tính tự lập nên ngay từ những ngày đầu mới đến Vũng Tàu Thơ đã tự tìm việc làm thêm để giảm gánh nặng cho gia đình. Cũng như bao sinh viên khác, Thơ xin đi làm phục vụ trong quán cà phê, rồi làm gia sư. Nhưng tất cả đều không được quá một tháng vì trong Thơ luôn cháy bỏng niềm đam mê kinh doanh.

Những ngày “thất nghiệp”, buổi sáng đi học, buổi chiều Thơ thường thả bộ dọc bãi biển. Nhìn những viên đá cuội trên bãi biển, Thơ chợt nhớ ra tập sách em đã sưu tầm từ những năm còn ở quê. Đó là cuốn sách hướng dẫn tạo hình cho đá mà em vô tình mua được ở nhà sách cũ năm lớp 9. Sau nhiều đêm suy nghĩ, Thơ quyết định thử sức mình ở lĩnh vực mới này. Cũng sợ thất bại nhưng nghĩ nếu không thử làm sao biết mình có làm được hay không nên Thơ mạnh dạn vét những đồng bạc cuối cùng ra làm vốn kinh doanh. Và chính sự liều lĩnh ấy đã giúp Thơ trở thành cô sinh viên quý tộc như hiện nay.

Gom góp tất cả vốn liếng của một sinh viên xa nhà được hơn 800.000 đồng. Thơ chạy xe máy lên TP. Hồ Chí Minh lùng mua loại màu chuyên dùng để vẽ quần áo, mua cọ, keo dán và phụ liệu trang trí. Mua được đủ màu, dụng cụ vẽ, chiều nào, Thơ cũng xách giỏ nhựa đi dọc bãi Sau, mũi Nghinh Phong, hôm nào nước rút thì đi bộ ra Hòn Bà lượm sỏi, đá cuội. Những viên đá, sỏi nhặt ở biển về Thơ đem rửa sạch và phơi khô, sau đó mới vẽ màu lên. Nhiều hôm đi học về không kịp ăn uống, Thơ đã bắt tay vào công việc. Ban đầu Thơ còn nhìn mẫu và vẽ theo, sau quen dần Thơ không cần đến mẫu. Mỗi tuần Thơ mang sản phẩm của mình ra bán vào tối thứ 7, chủ yếu là bán cho khách du lịch. Hàng của Thơ đều đồng giá 25000 đồng/món.

Khi có người hỏi vì sao Thơ không phân loại thành hàng lớn nhỏ, đơn giản hay phức tạp để bán theo những giá khác nhau, Thơ vui vẻ giải thích: “Đã là hàng ý tưởng thì dù là lớn hay nhỏ, đơn giản hay phức tạp đều từ ý tưởng mà ra. Em bán ý tưởng chứ không bán sỏi, vì vậy đã là ý tưởng thì không có đắt hơn hay rẻ hơn”.


Nguyễn Thi Thơ giải thích ý nghĩa của từng món hàng với khách du lịch

Những ngày đầu mới bày hàng ra bán, thấy Thơ còn nhỏ, ai cũng thương tình cho ngồi nhờ. Nhưng đến khi thấy hàng của họ còn nguyên, trong khi tối nào cũng thiếu hàng để bán, mọi người bắt đầu thấy khó chịu với Thơ. Thơ lại di dời điểm bán hàng đến những nơi vắng vẻ hơn, nhưng dù ngồi ở chỗ nào thì gian hàng của Thơ vẫn luôn đông khách. Mỗi buổi tối bán từ 17 giờ đến gần 0 giờ sáng hôm sau Thơ thu được khoảng 1,5 triệu đồng. Một tháng thu nhập của Thơ giao động từ 6 đến 7 triệu đồng, mùa du lịch thì khấm khá hơn. Số tiền đó đủ để Thơ trang trải cho cuộc sống sinh viên, học thêm ngoại ngữ, thoải mái chi tiêu mà theo lời bạn bè nhận xét thì Thơ là cô “sinh viên quý tộc”.

Thơ tâm sự: “Ai nhìn vào cũng tưởng là dễ làm, thấy em kiếm tiền sao dễ dàng quá, nhưng thực tế không phải vậy. Ngày nào em cũng phải đi lượm đá, mỗi lần như thế em phải xách gần 20kg, về tới phòng trọ tay em mỏi nhừ, lưng thì đau ê ẩm. Bán được hơn nửa năm em đành tạm nghỉ vì bị chấn thương cột sống do xách nặng quá. Chữa bệnh xong em lại tiếp tục làm, nhưng lần này rút kinh nghiệm, không xách nhiều như trước nữa. Ban ngày đi học nên đêm em phải thức để làm hàng cho kịp tối thứ 7 đi bán. Mùa khô thì đỡ, những tháng mưa cực lắm, vừa bán vừa lo trú mưa”. Thơ luôn quan niệm tất cả sự thành công đều bắt đầu từ ý tưởng và sự cần cù, vì vậy nên dù công việc đang hái ra tiền nhưng Thơ vẫn chưa hài lòng với bản thân, Thơ luôn tìm tòi, học hỏi để những sản phẩm tạo ra luôn mang ý tưởng mới.

Bạn bè thường trêu đùa Thơ là người “Khi đi xách giỏ đá, khi về xách giỏ tiền”, nhưng với Thơ như thế vẫn chưa đủ. Đó chỉ là sự khởi đầu cho những dự định, ước mơ kinh doanh lớn hơn trong lĩnh vực du lịch – lĩnh vực Thơ yêu thích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Trang chủ - VnExpress.net